Những loại thức ăn tốt cho người ung thư

TẠI SAO CẦN LỰA CHỌN THỨC ĂN CHO NGƯỜI UNG THƯ

Ung thư là một bệnh mãn tính trực tiếp ảnh hưởng đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt các biến chứng trong đó có tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, nhiều bệnh nhân ung thư tại Việt Nam không được chăm sóc dinh dưỡng đúng trong quá trình điều trị bệnh nên đã dẫn đến tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng và suy kiệt trầm trọng.



Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ cần sụt 5% cân nặng đã rút ngắn 1/3 thời gian sống của bệnh nhân. Sụt cân đối với bệnh nhân ung thư có thể ảnh hưởng không tốt hiệu quả điều trị ung thư, làm gián đoạn quá trình điều trị ung thư, làm tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và giảm thời gian sống của bệnh nhân ung thư. Sụt cân có thể là một phản ứng phụ của quá trình điều trị, hoặc do tâm lý chán nản lo lắng của người bệnh hoặc do chính bản thân khối u gây ra. Khối u ác tính làm thay đổi chuyển hóa bình thường của cơ thể, làm cơ thể tiêu hao năng lượng (calories) nhiều hơn do đó tăng phá hủy mô cơ và mỡ; đồng thời làm giảm cảm giác thèm ăn nên giảm khối lượng thức ăn thu nạp. Không những thế, khối u còn làm tăng tiêu hao năng lượng, ngay cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi, không hoạt động cũng sẽ mất một lượng calo rất lớn. Những thay đổi chuyển hóa trên gây ra bởi các yếu tố trung gian viêm, các yếu tố miễn dịch và dị hóa. Sụt cân tiến triển dẫn đến suy mòn và bệnh nhân ung thư có thể chết do suy mòn trước khi chết do bệnh lý ung thư gây ra. Khoảng 10 đến 20% nguyên nhân tử vong bệnh nhân ung thư là do suy dinh dưỡng.

Con số 30% bệnh nhân ung thư chết vì suy kiệt cơ thể trước khi chết vì khối ung thư đã phần nào cho thấy hậu quả xấu của tình trạng sụt cân, suy kiệt. Ăn đúng trước, trong và sau khi điều trị có tác dụng nâng đỡ để người bệnh có đủ sức theo được hết các liệu pháp điều trị nặng nề có thể giúp cho bệnh nhân, giảm thiểu tình trạng suy mòn do ung thư, giúp ngăn ngừa các biến chứng, giảm thiểu được tác dụng phụ của phương pháp điều trị và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư.

Xem thêm:

MỤC TIÊU HƯỚNG ĐẾN KHI LỰA CHỌN THỨC ĂN VÀ CHẾ ĐỘ ĂN CHO BỆNH NHÂN UNG THƯ


Giai đoạn điều trị tích cực: Các thay đổi trong thức ăn nói riêng và dinh dưỡng nói chung cho người bệnh ung thư trong giai đoạn này nhằm giảm bớt tác dụng khó chịu của trị liệu và hạn chế các yếu tố sinh ung đồng thời đảm bảo yếu tố vệ sinh an toàn phòng nhiễm khuẩn của bữa ăn.

Giai đoạn điều trị duy trì: Các thay đổi trong thức ăn nói riêng và dinh dưỡng nói chung cho người bệnh ung thư được tính toán riêng biệt cho từng loại ung thư với mục tiêu duy trì cân nặng ở mức hợp lý nhất (chấp nhận mức giảm cân <10%)

QUAN NIỆM SAI LẦM KHI LỰA CHỌN THỨC ĂN CHO NGƯỜI UNG THƯ

Có một thực trạng là các bệnh nhân ung thư thường ăn kiêng một cách cực đoan vì lo sợ rằng nếu nạp nhiều chất dinh dưỡng vào cơ thể sẽ nuôi dưỡng tế bào ung thư phát triển nhanh hơn. Thậm chí bệnh nhân ung thư còn nghĩ rằng cách kiêng cữ như vậy có thể làm chết tế bào ung thư và mình có thể khỏi bệnh.

Trong cơ thể của bệnh nhân ung thư cùng tồn tại song hành cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh. Bất kì loại dưỡng chất nào nuôi sống những tế bào khỏe mạnh thì cũng nuôi sống tế bào ung thư. Do đó, việc kiêng khem các loại thực phẩm giàu đạm, protein như thịt heo, bò, hải sản cá, trứng, sữa v.v… và chỉ ăn thực dưỡng, ăn chay trường để giết chết tế bào ung thư thì cũng có khả năng làm chết những tế bào lành khác. Kết cục là bệnh nhân chết vì suy kiệt, vì thiếu sức đề kháng và thiếu năng lượng trước khi chết vì ung thư. Mặt khác cơ thể con người cần có năng lượng để tồn tại do đó nếu kiêng sử dụng đường sữa và các loại thịt đỏ thì người bệnh cũng phải ăn các thực phẩm khác để có đủ năng lượng và tồn tại.

Để đảm bảo dinh dưỡng cho quá trình điều trị ung thư, người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo các nhóm chất gồm đạm, bột đường, chất béo, vitamin khoáng chất, nước. Một chế độ ăn tăng cường các loại cá chứa nhiều mỡ, tăng cường rau xanh, ít thịt, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động nhẹ....sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khỏe để chống lại ung thư chứ không phải là nuôi dưỡng khối u.

LỰA CHỌN THỨC ĂN CHO NGƯỜI UNG THƯ NHƯ THẾ NÀO

Chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư cần có tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng và phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng, sự thay đổi vị giác người bệnh, thể ung thư, giai đoạn bệnh, đáp ứng điều trị của từng bệnh nhân.

Nhìn chung người bệnh đang điều trị không cần kiêng khem nghiêm ngặt, nhưng nên lưu ý một số điều dưới đây:

● Điều chỉnh chế độ ăn cho bệnh nhân càng gần với chế độ ăn bình thường của bệnh nhân càng tốt.

● Khẩu phần ăn cần cung cấp đầy đủ chất bột đường và chất đạm. Bệnh nhân ung thư cần được cung cấp năng lượng từ 25 - 30 Kcal/kg/ngày. Bệnh nhân ung thư có tăng chuyển hóa hoặc tăng đồng hóa hoặc cần tăng cân thì cần 30 - 35 Kcal/kg/ngày.

● Chế độ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm: ngũ cốc (gạo, bắp,…) để cung cấp tinh bột và năng lượng, thịt cá để cung cấp protein, dầu mỡ để cung cấp chất béo, rau quả để cung cấp vitamin khoáng chất và chất chống oxy hóa. Các nhóm thức ăn cần đảm bảo trong bữa ăn hàng ngày đối với bệnh nhân ung thư gồm:

Thức ăn cung cấp chất đạm:

■ Chiếm 20% năng lượng khẩu phần, trong đó đạm động vật chiếm khoảng 30%. Bữa ăn cần cân đối giữa protein động vật và thực vật. Nên ưu tiên thịt màu trắng (thịt gia cầm) hơn thịt màu đỏ sẽ có lợi hơn cho sức khỏe. Bệnh nhân ung thư cần được đảm bảo protein khoảng 1,2 - 1,5g/kg/ngày để duy trì cân nặng. Nhìn chung tình trạng mất khối cơ là vấn đề nổi bật ở bệnh nhân ung thư nên trong khẩu phần cần bổ sung amino acid thiết yếu hoặc liều cao Leucine để giúp thúc đẩy tổng hợp protein cơ.

■ Protein rất cần thiết trong việc xây dựng các cấu trúc trong cơ thể, cần có protein đề xây dựng nên các tế bào mới liên tục thay thế cho các tế bào cũ chết đi theo chu kỳ bình thường của tế bào.

■ Ngoài ra protein còn tham gia vào các chức năng miễn dịch, các loại hormone. Do đó, thiếu protein khiến cơ thể trở nên mệt mỏi và không thể vận hành một cách bình thường được nữa.

Thức ăn cung cấp tinh bột: 

Chiếm khoảng 60% khẩu phần. Nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt (gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch), các loại củ (khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn,…).

Thức ăn cung cấp chất béo:

■ Chất cho giá trị năng lượng cao, giúp hình thành cấu trúc tế bào cơ thể và chiếm khoảng 20% nhu cầu năng lượng của người bệnh (trong đó 1/3 là acid béo no, 1/3 acid béo không no một nối đôi, 1/3 acid béo không no nhiều nối đôi). Nên tăng cường các thức ăn chứa omega-3 như cá hồi, dầu oliu.

■ Nghiên cứu chỉ ra rằng bổ sung acid béo omega-3 (DHA,EPA với khuyến nghị EPA nên đạt 2g/ngày) giúp cải thiện tình trạng suy mòn ung thư hiệu quả. Omega-3 làm giảm các Cytokine gây viêm sinh ra do khối u.

■ Nghiên cứu cũng cho thấy omega-3 cải thiện cân nặng, tỷ lệ sống, chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên thận trọng khi bổ sung omega-3 ở bệnh nhân giảm tiểu cầu do omega-3 có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.


Thức ăn cung cấp vitamin và khoáng chất:

■ Rau củ và trái cây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất chính, do đó tăng cường ăn rau xanh, quả chín và rau thơm. Chọn các loại quả tươi sạch, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản trong điều kiện lạnh. Nên chế biến rau quả bằng các phương pháp hấp hoặc luộc để hạn chế làm mất các vitamin trong quá trình chế biến.

■ Chế độ ăn của người bệnh thường không đủ vitamin và khoáng chất do dễ bị mất trong quá trình chế biến thức ăn nên việc dùng các sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất với liều lượng khuyến nghị được cho là hữu ích và an toàn đặc biệt đối với bệnh nhân chán ăn và suy kiệt. Lưu ý hạn chế sử dụng liều cao các sản phẩm chứa vitamin và khoáng chất.

● Thay đổi thường xuyên chủng loại thực phẩm, màu sắc thực phẩm, cách chế biến sao cho phong phú để tăng sự hấp dẫn.

● Hạn chế thức ăn có đường, nước ngọt, thức ăn nhiều chất béo và gia vị không cần thiết.

● Ăn giảm muối, không nên quá 10g mỗi ngày.

● Hạn chế thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao.

● Tránh dùng đồ hộp, thức ăn chế biến sẵn như thức ăn nhanh, dầu chiên đi chiên lại nhiều lần và thực phẩm có thể bảo quản dài ngày như xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói,….

● Tăng cường ngũ cốc thô chưa xay xát vỏ như gạo lứt, hạt sen lứt, nếp lứt, khoai lang nguyên vỏ, bánh mì đen,…

● Tăng cường rau xanh và trái cây tươi.

● Nên uống nước xa bữa ăn và tránh uống nước trong khi ăn vì làm giảm sự ngon miệng.

● Nếu không ăn được thức ăn thông thường thì chuyển sang chế độ ăn nhỏ, mềm, nhuyễn (cháo, súp, sinh tố...) để dễ nuốt và dễ hấp thu.

● Khi người bệnh không ăn được hoặc ăn uống thông thường không đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng thì phải bổ sung thêm các chế phẩm dinh dưỡng (như sữa cho người ung thư) ngoài bữa chính hoặc có các phương pháp hỗ trợ nuôi dưỡng hoặc nuôi dưỡng thay thế.

● Giữ vệ sinh răng, miệng.

● Không ăn thức ăn có dấu hiệu hư hỏng, ôi thiu, mốc.

● Không ăn thức ăn đã bảo quản lâu trước đó.

● Chọn thực phẩm tươi mới.

● Nấu vừa đủ ăn và ăn trong vòng 2 giờ sau khi chế biến.

● Thức ăn cần được chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn do khả năng bị nhiễm trùng từ đường tiêu hóa cao.

● Nấu chín thức ăn hoặc tiệt trùng kĩ bằng ozone rau xanh trái cây.

● Không dùng phụ gia thực phẩm để chế biến thức ăn.

Người bệnh ung thư phải đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm chính (nhóm cung cấp tinh bột, nhóm cung cấp đạm, nhóm cung cấp chất béo, nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng) trong đó đảm bảo đủ chất đạm và tinh bột để giảm thiểu tình trạng mất khối cơ.

Trong thời gian bệnh và điều trị, bệnh nhân cũng thường bị thay đổi vị giác và khứu giác. Thay đổi vị giác có thể hồi phục sau khi chấm dứt điều trị nhưng có thể mất vài tháng.

Bệnh nhân có thể áp dụng các phương pháp sau đây để cải thiện tình trạng này:

● Thay đổi giữa các nguồn cung cấp đạm khác nhau như thịt vịt, thịt đỏ, trứng, các loại đậu.

● Súc miệng trước khi ăn để giúp ăn ngon miệng hơn.

● Ăn những loại trái cây có vị chua như cam, quýt, chanh, bưởi, mơ, nho, mận… (ngoại trừ trường hợp những bệnh nhân đang bị tổn thương gây đau ở miệng, hầu họng).

● Sử dụng trái cây tươi thay vì trái cây đông lạnh.

● Bổ sung các loại rau thơm để cải thiện vị giác và khứu giác.

● Chia ra nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày.

● Bổ sung thêm những thức ăn ưa thích.

● Kết hợp các loại gia vị và nước sốt phong phú để thay đổi hương vị món ăn.

● Tránh sản phẩm đóng hộp hay đông lạnh.

Tình trạng giảm tiết nước bọt và khô miệng thường xảy ra sau hoá trị hoặc xạ trị, góp phần làm tình trạng chán ăn càng trầm trọng. Bệnh nhân có thể áp dụng các phương pháp sau đây để cải thiện tình trạng này:

● Chọn thức ăn mềm, thực phẩm có độ nhớt hoặc chế biến thức ăn ở dạng lỏng, nhiều nước.

● Ăn thêm hoa quả chua nhằm tăng tiết nước bọt.

● Tránh uống đồ uống có gas, có cồn, có tính acid.

● Hạn chế đồ uống chứa caffeine như trà, cà phê,…

● Dùng bàn chải mềm để vệ sinh răng miệng và súc miệng sạch sẽ.

● Uống nhiều nước và ngậm nước trong miệng trong vài phút.

Tình trạng đau rát miệng và hầu họng thường hay gặp ở những bệnh nhân ung thư do xạ trị, hoá trị hoặc do bệnh nhân đang bị nhiễm trùng. Bệnh nhân có thể áp dụng các phương pháp sau đây để cải thiện tình trạng này:

● Hạn chế thức ăn có gia vị cay nồng gây kích thích vùng niêm mạc đã tổn thương.

● Hạn chế thức ăn thô ráp (đồ khô, đồ nướng), thức ăn cứng, thức ăn giòn, có góc cạnh sắc, thức ăn còn nguyên miếng lớn làm bệnh nhân khó nhai, nuốt và có thể làm trầy xước niêm mạc miệng và họng. Nên chọn thức ăn mềm, ướt, trơn dễ nuốt.

● Tránh thức ăn uống có vị quá chua hay quá mặn.

● Tránh thức uống có gas, có cồn.

● Không nên dùng thức ăn quá nóng hay quá lạnh.

● Xay hoặc nghiền nhỏ thức ăn.

● Tránh đồ uống và thực phẩm có lượng đường cao gây sâu răng như: nước ngọt, kẹo, nước soda.

● Điều trị ngay khi có vấn đề về răng miệng và vệ sinh răng miệng đúng cách giúp giảm tình trạng đau rát miệng.

Buồn nôn và nôn cũng thường gặp ở đa phần bệnh nhân hoá trị liệu. Bệnh nhân có thể áp dụng các phương pháp sau đây để cải thiện tình trạng này:

● Chia nhỏ các bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày. Số bữa ăn có thể đến 10 bữa trong ngày.

● Khuyến khích người bệnh ăn thường xuyên khi muốn ăn, ăn chậm, nhai kỹ.

● Tăng cường năng lượng và dinh dưỡng cho bữa sáng nhiều hơn các bữa ăn khác vì bữa sáng dễ hấp thu nhất trong ngày.

● Cho người bệnh ăn trước khi đói vì người bệnh khi quá đói sẽ có cảm giác buồn nôn.

● Uống nhiều nước, uống chậm, từng ngụm trong ngày để tránh mất nước.

● Hạn chế những thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn quá ngọt.

● Hạn chế thức ăn có mùi tanh, cay nồng, nặng mùi…

● Ăn thức ăn mềm, nhạt, vị thanh nhẹ nhàng giúp dễ tiêu hóa.

● Ngậm kẹo, chanh, bạc hà khi họng miệng có mùi khó chịu.

● Bệnh nhân có thể ngồi hoặc nằm cao đầu ít nhất 1 giờ sau ăn.

Ngoài ra, bệnh nhân ung thư nên uống 8 - 12 ly nước mỗi ngày. Có thể dùng nước chín, nước ép rau, quả, sữa hoặc những thực phẩm có chứa nhiều nước… Lưu ý nên uống nước ngay cả những lúc không khát và nên hạn chế những thức uống chứa cafein, chứa cồn.

Thay đổi sao cho thức ăn bữa ăn phong phú màu sắc, mùi vị, các dạng thức ăn, cách chế biến, gia vị để giúp bệnh nhân ung thư ăn ngon miệng hơn.

H&H Nutrition quy tụ đội ngũ Thạc sĩ, Bác sĩ, Chuyên gia Dinh dưỡng, Kỹ sư tiết chế với trình độ chuyên môn cao, tận tâm, luôn đặt khách hàng lên vị trí hàng đầu. H&H Nutrition cung cấp dịch vụ khám tư vấn, thiết kế thực đơn dinh dưỡng toàn diện dành cho trẻ em và người lớn. H&H Nutrition cam kết sẽ đồng hành sức khỏe cùng gia đình bạn nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất đến quý khách hàng.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn thức ăn tốt cho người ung thư vui lòng liên hệ theo các thông tin sau:

Cơ sở chính: 294/2 Đường 3/2, Phường 12, Quận 10, Tp.HCM.

Chi nhánh 1: 16B Nguyễn Công Bình, Phường 6, Tp. Mỹ Tho, Tiền Giang.

Chi nhánh 2: 319C5 Nguyễn Huệ, Phường Phú Khương, Tp Bến Tre.

Chi nhánh 3: 93/87 Hà Giang, Phường 1, Tp Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Hotline Đặt hàng: 088 8844 733

Hotline Tư vấn: 088 8977 433

Nhận xét